NGƯỜI GIỮ VỊ QUÊ HƯƠNG XỨ QUẢNG

Hai cô gái trẻ – một 8X, một 9X, người quê Núi Thành, người ở Tam Kỳ, nhưng đều có chung đam mê với sản phẩm truyền thống, với hương vị quê nhà và khát khao đưa sản vật xứ Quảng đi xa hơn… Bước đầu họ đã thành công khi được khách hàng tín nhiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng.
Bánh chưng thương hiệu Bà Ba. Ảnh: C.N
Bánh chưng thương hiệu Bà Ba. Ảnh: C.N

BÁNH CHƯNG BÀ BA

Từ việc chỉ gói bánh chưng, bánh ú bán cho người dân quanh vùng cách lâu nay, giờ đây, gia đình bà Phạm Thị Hội (thường gọi là bà Ba Hội) đã phát triển thành thương hiệu bánh chưng Bà Ba, cơ sở sản xuất đặt tại khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ. Hồi đó, bà Ba Hội gói bánh chưng chủ yếu là để… đi đám giỗ, đám chạp. Vậy mà “hữu xạ tự nhiên hương”, bánh chưng của bà trở nên có tiếng trong làng ngoài xóm nhờ truyền miệng. Từ đó, bà Ba Hội gói bánh chưng để bán. Người này mua thử, ăn thấy ngon rồi truyền tai cho người khác, cứ thế, bánh bà Ba Hội rất được ưa chuộng.

Gia đình bà Ba Hội, từ già đến trẻ, các cháu nội ngoại của bà, dù đang là học sinh THCS cũng gói bánh thành thạo. Sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh Bà Ba là bánh chưng, bánh tét, bánh tổ, nhưng chủ yếu vẫn là bánh chưng. Mà người ấp ủ ý tưởng xây dựng thương hiệu bánh chưng Bà Ba là con gái bà – chị Huỳnh Thị Thu Thủy (SN 1982).

Chị Thu Thủy kể, cảm nhận được đam mê và tâm huyết của mẹ, chị đã tìm hiểu, học hỏi cách gói bánh chưng theo kiểu miền Bắc (chị Thủy làm dâu xứ Bắc – NV), cộng với truyền thống gói bánh mấy chục năm của gia đình, nên đã cho ra những chiếc bánh chưng đẹp mắt và chất lượng đặc trưng, có sự giao thoa giữa hai miền. Chị Thủy cũng xây dựng thương hiệu bánh chưng lấy tên của mẹ: bánh chưng Bà Ba.

Mẹ con chị Thu Thủy gói bánh chưng.
Mẹ con chị Thu Thủy gói bánh chưng.

Theo chị Thủy, bí quyết để có chiếc bánh chưng ngon không chỉ ở khâu chọn nguyên liệu (nếp, đậu xanh, thịt heo) mà còn phải có gia vị phù hợp, có độ mặn, độ thơm của tiêu, của hành vừa phải. Gạo nếp Bắc do chính bà Ba lựa chọn, trước khi gói, ngâm với nước cốt lá dứa giã nhuyễn theo công thức riêng để tạo vỏ bánh có màu xanh mượt như cốm và thơm mùi nếp mới. Rồi phải gói vừa tay; chặt quá bánh cứng và dễ sống; lỏng quá, bánh bị nhão. Và lá dong, dây buộc cũng phải chọn kỹ càng xuất xứ để có một chiếc bánh chưng đẹp.

Đến khâu nấu, phải canh lửa cháy đều; không để bánh ngâm quá lâu trong nồi. Vớt bánh ra, để nguội đến độ nào đấy, phải cho vào hút chân không. Bánh ngon, mẫu mã đẹp, được bảo quản bằng phương pháp hút chân không nên có thể lưu giữ bánh trong thời gian dài (30 ngày) mà vẫn giữ nguyên chất lượng nên được khách hàng ưa chuộng. “Bánh quá ngon”, “Ăn bánh chưng Bà Ba nhớ quê nhà” – là cảm nhận của người Quảng xa quê khi đặt mua bánh chưng Bà Ba.

Mỗi ngày cơ sở Bà Ba sản xuất bánh chưng; bánh tét, bánh tổ thì làm theo nhu cầu. Đặc biệt, gia đình bà Ba vẫn làm bánh tổ theo kiểu thủ công, bà Ba còn tự tay đan ổ đựng bánh tổ, nên bánh vừa đậm hương vị xứ Quảng vừa có mùi của tảo tần. Những ngày rằm, như rằm tháng Bảy mới đây, cơ sở sản xuất đến 500 chiếc bánh chưng, cả chay lẫn mặn. Khách hàng thường xuyên là các nhà hàng, khách sạn, cơ sở nấu ăn trong tỉnh và khách lẻ ngoại tỉnh, chủ yếu từ Đà Nẵng trở vào. Nhiều người đặt mua bánh chưng Bà Ba làm quà tặng, biếu trong các dịp lễ, tết hoặc gửi đi xa. “Để được khách hàng khắp nơi tin tưởng, đặt mua nhiều như bây giờ, gia đình tôi phải tỉ mẩn trong từng công đoạn” – chị Thủy nói.

Tâm huyết với nghề, chị Thu Thủy muốn đưa bánh chưng thương hiệu Bà Ba vươn ra ngoài thị trường Việt Nam. “Để ra được nước ngoài, bên cạnh chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, còn phải làm nhiều thủ tục không đơn giản. Nhưng với mong muốn vừa giữ được nghề của gia đình, vừa quảng bá và nâng tầm sản phẩm của quê hương, tôi tin mình sẽ làm được” – chị Thủy nói.

ĐƯA VỊ BIỂN LÊN BỜ

Hôm đi Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, anh Phan Văn Trung (quê Núi Thành, cư trú ở phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đã tìm đến gian hàng của huyện Núi Thành để mua mấy hũ mực rim, cá đét rim nhãn hiệu Cô Kiệu. Anh Trung mời tôi nhấm thử và chia sẻ, tình cờ được mua thử sản phẩm của Cô Kiệu trong hội chợ những năm trước về dùng, anh mê hương vị biển của Cô Kiệu lúc nào không hay.

Sản phẩm của Cô Kiệu.
Sản phẩm của Cô Kiệu.

Người xây dựng thương hiệu Cô Kiệu là chị Phạm Thị Lê Na – thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành. Cô gái sinh năm 1990, làm việc ở Công ty TNHH CCI Việt Nam và là chủ cơ sở sản xuất mực, cá rim Cô Kiệu, kể: Người dân Tam Hải chủ yếu làm nghề câu mực. Mực khơi thì xuất bán ra nước ngoài, mực lá thì tiêu thụ tại chỗ. Nhưng mực lá phơi khô sẽ bị cứng khi nướng.

Vậy là Lê Na nghĩ đến việc chế biến mực lá bằng cách xé sợi nhỏ và rim. Lúc đó, bà Kiệu – mẹ Lê Na không có công việc ổn định nên Na nghĩ, mình tạo việc làm cho mẹ từ chính sản phẩm của địa phương. Lê Na bắt đầu khởi nghiệp từ cuối năm 2016. Làm thử, nhưng được mọi người khen ngon và ủng hộ. Chỉ trong tháng tết năm đó, doanh thu từ sản phẩm mực rim xé sợi được 30 triệu đồng.

Lê Na nhận thấy nghề này có khả năng phát triển tốt vì chị có lợi thế nguồn nguyên liệu ngon và an toàn tại chỗ. Nhưng cái duyên và cũng là động lực để Lê Na mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu khi được anh Trần Viết Âu – Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Quảng Nam giới thiệu tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Tam Kỳ sau đó.

“Lúc đó tôi nghĩ chỉ đem trưng bày để giới thiệu Cô Kiệu đến với mọi người nhưng không ngờ sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ chỉ trong thời gian ngắn. Tại đây, tôi gặp được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với rất nhiều dự án mới lạ và có thành công nhất định nên cũng học hỏi được kinh nghiệm và tôi quyết tâm theo đuổi ước mơ mang sản phẩm quê mình đi xa hơn nữa” – Lê Na tâm sự.

Nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm Cô Kiệu được lấy từ xã Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: C.N
Nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm Cô Kiệu được lấy từ xã Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: C.N

Sau đó, Lê Na tiếp tục đưa sản phẩm thương hiệu Cô Kiệu tham gia các hội chợ khác trong tỉnh. Hơn nữa, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã Tam Hải cũng đều mong muốn sản phẩm của quê mình đi xa hơn nên luôn tạo điều kiện để Lê Na giới thiệu Cô Kiệu với khách hàng. Lê Na luôn mong muốn sản phẩm thương hiệu Cô Kiệu (gồm mực rim xé sợi, mực rim me, cá đét sấy giòn, cá đét rim me, cá cơm sốt me), gắn liền với quê hương Tam Hải nên toàn bộ nguồn nguyên liệu chị đều lấy tại đây.

Hiện nay, doanh thu bình quân cơ sở của Lê Na khoảng 40 triệu đồng/tháng. Lê Na cho biết, đây là con số khiêm tốn nhưng với người dân quê, như vậy là đã đủ. Điều quan trọng hơn là sản phẩm quê mình được đến với mọi người. Sản phẩm của Lê Na hiện nay có mặt ở các tỉnh thành, chủ yếu là Đà Nẵng, TP.Hồ Chí  Minh. Cơ sở của Lê Na còn tạo việc làm bán thời gian cho một số người dân địa phương. Vào lúc cao điểm như dịp tết thì nhân công làm toàn thời gian mới đủ cung cấp sản phẩm.

Lê Na ấp ủ ước mơ thành lập một HTX sản xuất sản phẩm truyền thống của Tam Hải như nước mắm, rau xoa, rau đá, rau mứt… để phát triển thành thương hiệu, đưa sản phẩm đi xa hơn. Bởi hiện nay, người dân Tam Hải hầu như chỉ bán sản phẩm thô chứ chưa nghĩ đến việc chế biến, tạo thương hiệu, dù sản phẩm quê xứ có chất lượng và rất được ưa chuộng. Mà, theo Lê Na, giới thiệu sản phẩm của xã đảo cũng là cách quảng bá để người dân khắp nơi biết đến Tam Hải, góp phần phát triển du lịch cho quê hương.

Nguồn: báo quảng nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *